Phát triển thương hiệu đậu phụ Võng La
Đậu phụ Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã có từ lâu đời, tuy nhiên qua thời gian, nghề đậu phụ đã mai một đi ít nhiều.
Năm 2019, anh Phan Văn Đạt, xã Võng La đã cùng 6 người bạn thành lập Hợp tác xã Thanh niên Võng La với mục đích giữ gìn và phát huy sản phẩm đậu phụ truyền thống của xã Võng La.
Giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống
Bên cạnh đó, anh Đạt cùng với nhóm bạn của mình tiếp tục giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống của cha ông để lại và đem lại thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã.
Nhằm sản xuất đậu phụ theo hướng công nghiệp; Hợp tác xã của anh Đạt đã cải tiến quy trình sản xuất có sự giao thoa, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu; các công nhân lựa chọn cẩn thận những hạt đậu tương đồng đều; vỏ vàng mỏng, nhẵn, phơi khô giòn, ngâm nước sao cho đạt độ ẩm 55-60% rồi đem xay.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh đánh giá cao sản phẩm đậu phụ của Hợp tác xã; đậu phụ làng chài Võng La được đúc kết từ phương pháp sản xuất truyền thống; lên men tự nhiên từ những hạt đậu nành; chất lượng sản phẩm thơm ngon. “Sản phẩm đã được chứng nhận không có chất phụ gia; không chứa chất bảo quản và an toàn cho sức khỏe” – ông Nguyễn Văn Thiềng cho hay.
Đậu phụ Võng La 100 tuổi
Phan Văn Đạt chia sẻ, nơi đây là vùng quê ven sông Hồng; có tên cổ xưa là Làng Chài (nay là thôn Võng La); có nghề làm đậu phụ truyền thống từ năm 1910 đến nay. Vì vậy, anh rất muốn vực dậy làng nghề cổ truyền này; để giới thiệu rộng rãi với bạn bè Thủ đô. Nhất là khi làng nghề đã được UBND TP. Hà Nội công nhận ngày 5/1/2019.
Mặt khác, đậu phụ Làng Chài cũng là món ăn truyền thống; được nhiều người lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày; nên phải sản xuất sạch và có thương hiệu, làng nghề mới đứng vững được.
Đậu phụ Làng Chài cổ xưa ăn béo ngậy, dẻo thơm do được sản xuất từ đỗ tương ta, lòng vàng, hạt bóng và tròn đều. Cách làm cũng rất đơn giản; đỗ được xay bằng cối đá thủ công, cho vào vải vắt thủ công. Sau đó, đun sôi và pha chế theo cách cổ truyền của người dân Làng Chài hàng trăm năm trước. Ngày nay, khi HTX khôi phục làng nghề; vẫn sử dụng cối đá để xay đỗ, vì vậy, vẫn giữ được chất dinh dưỡng.
Phát triển bền vững
Dù bảo đảm an toàn chất lượng nhưng việc tiêu thụ sản phẩm đậu phụ của HTX vẫn còn nhiều khó khăn; chủ yếu qua kênh mua bán tự do, nhỏ lẻ. Hiện, HTX Thanh niên Võng La mới liên kết cung cấp đậu phụ cho một số bếp ăn trường học trên địa bàn xã và địa phương lân cận. Cũng theo anh Đạt, đậu phụ làng chài Võng La đã có bao bì, nhãn mác nhưng hiện chưa có nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm. Hiện, UBND huyện Đông Anh đang xúc tiến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này.
Sản phẩm của HTX Thanh niên Võng La hiện có 3 loại, gồm: Đậu phụ trắng; đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy. Riêng đối với đậu phụ nướng và nhân cháy; gần như chỉ Võng La mới có. Điều đáng khích lệ trên con đường giữ gìn nghề truyền thống của những thanh niên xã Võng La, đó là việc mới đây, hai sản phẩm đậu phụ trắng và đậu phụ nướng đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội thẩm định, đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt 3 sao. Đây sẽ là tiền đề để đậu phụ làng chài Võng La được biết đến rộng rãi, thuận lợi hơn trong tìm kiếm chỗ đứng và tiêu thụ trên thị trường cạnh tranh hiện nay./.
Nguồn: kinhtedothi.vn