Sự khác biệt giữa Tết Nguyên Đán xưa và nay
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là ngày lễ rất được chú trọng. Đó là khoảng thời gian để cùng nhìn lại một chặng đường đã qua. Nhìn lại những điều đã làm được và rút kinh nghiệm từ những điều chưa làm được. Cũng là lúc để cả gia đình quây quần, sum họp bên mâm cơm đoàn viên. Dù là đi xa đến đâu, nhưng đến Tết Nguyên Đán, nhất định người ta sẽ thu xếp để về nhà với ông bà, mẹ cha,.. So với Tết cổ truyền, ngày Tết trong xã hội hiện đại bây giờ đây đã có nhiều thay đổi. Mỗi thời, Tết mỗi khác.
Tết Nguyên Đán cổ truyền và những điều thú vị
Cả một năm trời vất vả, tạm bợ, người xưa mong mấy ngày Tết để có thời gian nghỉ ngơi. Và cũng chỉ có những ngày Tết này là mới được ăn những món ngon hơn thường ngày mà thôi. Chính vì vậy mà người ta rất chú trọng chuẩn bị cho những ngày đầu xuân năm mới này. Bên cạnh việc nuôi lợn thì gói bánh chưng cũng sẽ được chú ý chuẩn bị từ sớm. Ngày rằm tháng Chạp là thời gian mà mọi nhà bắt tay vào làm dưa hành. Đến rằm tháng Chạp thì mọi nhà bắt đầu làm dưa hành.
Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Nhà nhà cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Ngày 24 trở đi đã rộn rã lắm rồi. Trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi đì đùng ở sân đình. Người lớn đi tạ mộ ông bà cụ kỵ; lau dọn bàn thờ tổ tiên; tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm… Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc, làm bỏng mụn…
Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cắm một cây nêu ở giữa sân. Khâu chuẩn bị cuối cùng là món tiền lẻ để phát vốn cho trẻ con. Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, người xưa còn chuẩn bị đồ lễ, biếu. Có thể thấy, công việc chuẩn bị cho Tết nhiều công đoạn và vất vả là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều vui mừng háo hức.
Tết Nguyên Đán nay – Chơi Tết
Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt lợn, gà… Thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ. Thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.
Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng đều có sẵn. Chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp. Thì nay, người ta dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch…
Tuy vậy, người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi (lì xì)…
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt. Là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy. Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Nguồn: phumyexpress.vn