Chuyện Đời: Tâm Sự Của Bà Cụ Cô Độc “Chiếc xe đẩy, củ sắn luộc là tất cả những gì tôi có”

Chuyện Đời: Tâm Sự Của Bà Cụ Cô Độc “Chiếc xe đẩy, củ sắn luộc là tất cả những gì tôi có”
"Cả cuộc đời khổ sở, cũng ngại lắm nhưng ai muốn vậy đâu"

Sinh giữa thời điểm “nạn đói” hoành hành, bà Bùi Thị Cư (SN 1943, cư trú tại xã Lợi Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định) lớn lên không còn một người thân bên cạnh. Vào cái tuổi “xế chiều”, bà Cư vẫn lủi thủi sống cô độc, kiếm sống mưu sinh bằng cách gồng mình đẩy chiếc xe chở khoai sắn đi bán.

Bà Bùi Thị Cư vất vả từ lúc lọt lòng

Sinh ra giữa xã hội chiến tranh loạn lạc, như bao đứa trẻ khác; bà Bùi Thị Cư, người xóm Chợ (xã Lợi Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định) cũng có đủ cha và mẹ. Thế nhưng ông trời dường như định sẵn số phận cô độc của bà; khi còn chưa kịp tròn tiếng “mẹ ơi”, bà đã vĩnh viễn mất cha và mẹ trong những năm tháng đói khổ ấy.

bà Cư
Căn nhà nhỏ xíu của bà Cư được dựng tạm ven đường làng.

Cha mẹ mất, bỏ lại bà Cư không anh chị em thân thích. Dù hoàn cảnh đói khổ không đủ lo một miệng ăn, một người bác trong họ vẫn nhận bà về nuôi cho ‘qua ngày đoạn tháng’. Không bao lâu sau, người bác cũng mãi mãi ra đi. Bà chưa kịp đứng vững thì lại bị cuộc đời một lần nữa dìm xuống tận cùng của sự khổ cực.

“Cả cuộc đời khổ sở, cũng ngại lắm nhưng ai muốn vậy đâu”

Bất đắc dĩ, bà Bùi Thị Cư thành đứa trẻ lang thang từ đó. Bà bươn chải đủ mọi việc để kiếm miếng cơm qua ngày. Trong một lần đi làm, không may bà bị trượt chân ngã. Nửa người bên trái bị thương nặng nhưng chẳng có một xu chữa bệnh; bà đành mặc kệ; tay chân từ đó chịu di chứng và bị tật không còn lành lặn như xưa.

bà Cư
Trong nhà chẳng có lấy một món đồ giá trị.
bà Cư
Đã gần 80 tuổi, bà chẳng có một ai để bám víu, nương tựa.

Chân tay đau yếu nên bà Cư không dám lập gia đình. Vết thương ở chân tay vẫn đau nhức, đi lại khó khăn, nhưng “cái bụng đói” mới là điều khiến bà Cư lo lắng nhất.

bà cư

Khi đã lớn lên, bà không có đất ruộng nên theo chân những người phụ nữ trong làng đi đến các huyện vùng núi thuộc tỉnh Lào Cai để hái chè thuê. Đến khoảng 20 năm trước; bà Cư mới được khuyên trở về quê hương và được dựng tạm cho một căn nhà nhỏ để có chỗ trú nắng; che mưa.

Nhà cũng là bếp
Nhà cũng là bếp

“Đất này là đất của chính quyền, các mạnh thường quân xây tặng cho căn nhà này để tôi ở đây. Suốt hàng chục năm nên giờ tường mục, ngói thủng cả rồi. Cuộc đời ai cũng có lúc sướng, khổ nhưng cả cuộc đời tôi thì chỉ toàn sự khổ sở. Cũng ngại nói ra lắm nhưng làm gì ai muốn vậy đâu, cái số phận mình nên mình đành chịu”, bà Cư tâm sự.

“Chiếc xe đẩy, củ sắn luộc là tất cả những gì tôi có”

Sống cô độc một mình trong căn nhà nhỏ, bà Cư chẳng có lấy một món đồ giá trị. Nhà cũng là bếp, bà xếp vài viên gạch kê cái kiềng 3 chân một góc nhà để đun nấu. Bên cạnh một mảnh túi ni lông lớn được căng ra che một góc nhà, phía sau là một đống cây khô làm củi đốt. Bà căng túi ni lông che đi cho “giống cái nhà”.

mưu sinh
Hàng ngày bà đẩy chiếc xe chở khoai luộc, sắn luộc đi bán. Đến khi bán hết hoặc tối mịt trời thì trở về. Chân tay đau vẫn cố đẩy xe đi bán vì điều đó “không sợ bằng cái bụng rỗng”, bà Cư thường nói vậy.

Chiếc xe đẩy bằng nhôm cũ mèm “quý giá” nhất bà để cạnh đầu giường ngủ, phía cuối giường là vài ba củ sắn vừa “nhập” về, chờ hôm sau luộc rồi mang ra chợ bán.

“Tôi sinh hoạt trong nhà hết, ở ngoài cạnh cái đường làng rồi không làm gì được, mãi cũng quen rồi. Đi xin nước về không có gì đựng nên tôi xin hộp xốp về chứa nước luôn trong nhà, nhìn có cặn ở dưới đáy vậy chứ bên trên vẫn dùng được bình thường đấy”, bà Cư cười nói.

Hàng ngày, bà Cư mua vài củ khoai, củ sắn từ chiều hôm trước. 4h sáng hôm sau dậy luộc, cắt khúc rồi chất lên xe đẩy, mang ra chợ bán. Hôm nào khoẻ người thì đẩy được vài cân, thời tiết thay đổi, chân tay đau nhức thì đành phải nghỉ.

nước sinh hoạt
Những thùng chứa nước ăn, nước sinh hoạt của bà Cư.
đài
Chiếc đài cũ mèm buộc ở đầu giường để lắng nghe tin tức.

“Nhìn người ta cũng thích lắm nhưng số phận mình vậy rồi biết làm sao…”

Tuổi già sống một mình nên mỗi khi đau ốm, bệnh tật; bà Cư chỉ biết cắn răng chịu đựng: “Ngày nắng thì phải chạy ra gốc cây tránh nóng; ngày mưa nước chảy khắp từ đầu nhà đến cuối nhà. Sợ nhất là đêm hôm sốt cao, bệnh tật chẳng có con cháu; không có ai bên cạnh cả nên sợ lắm. Một mình thân già nên đành chịu chứ biết kêu than ai được”; bà Cư chia sẻ.

mái nhà
Mái nhà đã xô lệch phần ngói, dột nát theo thời gian.

Suốt cuộc đời chật vật, bao nhiêu cay đắng đã nếm đủ. Giờ đây bà Bùi Thị Cư chỉ mong có đủ miếng ăn; căn nhà lành lặn sống qua ngày: “Nhiều lúc mệt quá; tôi nghĩ hay là lên chùa xem nhà chùa có nhận không thì mình ở đó nhưng giờ cao tuổi nên sợ cũng khó.

Chỉ mong cái nhà được sửa; có chỗ chui ra chui vào cho đỡ vất vả. Nhìn người ta gia đình sum vầy mình cũng thích lắm nhưng số phận mình vậy rồi biết làm sao…”

Nguồn: Tổ Quốc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *